Thức dậy sớm hay làm “Cú Đêm” ? – Đâu là lối sống tốt cho sức khỏe ?

“Thói quen giấc ngủ hằng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể của chúng ta. Thức khuya là thói quen thường gặp trong sinh hoạt thường ngày của nhiều người. Tuy nhiên đây là thói quen vô cùng có hại đến sức khỏe và cuộc sống của bạn. Vậy dậy sớm có tốt không và tại sao lại nên dậy sớm? ’’

Hãy cùng Villamed tìm hiểu và trả lời câu hỏi qua bài viết sau đây.

Bạn thuộc kiểu người nào? Người thức dậy sớm hay thích làm “cú đêm”
Bạn thuộc kiểu người nào? Người thức dậy sớm hay thích làm “cú đêm”

1. Đặc điểm của những người thích dậy sớm và “cú đêm’’

Người thích dậy sớm

Những người có thói quen sinh hoạt thức dậy sớm thường mang các đặc điểm:

  • Đi ngủ sớm và thức dậy sớm
  • Thấy bản thân tràn đầy năng lượng và hoạt động tốt nhất vào đầu ngày, thấy cạn năng lượng, mệt mỏi vào cuối ngày và buổi tối
  • Mức độ cảm xúc tích cực cao hơn ( theo nghiên cứu của APA- Hiệp hội tâm lý Mỹ)

Thông thường những người thức dậy sớm sẽ dễ điều chỉnh thời gian biểu trong ngày hơn, tại các hoạt động làm việc hay học tập đa số diễn ra trong ngày. Ngược lại, những người thức dậy sớm sẽ cảm thấy khó khăn, kém tỉnh táo khi thực hiện các hoạt động vào ban đêm sau 9 giờ tối.

Người thường xuyên thức khuya (hay cú đêm)

Những người thức khuya thường có xu hướng :

  • Thức khuya, thích ngủ nướng và dậy trễ
  • Cảm thấy bản thân hoạt động tốt nhất vào cuối ngày, có nhiều năng lượng hơn vào ban đêm, mệt mỏi khi phải thức dậy sớm
  • Gặp khó khăn, tinh thần uể oải khi phải hoạt động vào ban ngày

Những người thức khuya, dậy muộn thường gặp bất lợi hơn khi làm những công việc truyển thống đòi hỏi tuân thủ thời gian hành chính, hay lịch học ở trường. Tuy nhiên cũng có không ít những người như nghệ sĩ, nhà văn, chuyên gia sáng tạo họ thường cảm thấy làm việc tốt nhất vào thời điểm này.

Điểm bất lợi lớn nhất của những “cú đêm” là phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm cả về thể chất lẫn tinh thần.

2. Thức đêm nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Suy giảm hệ miễn dịch

Ban đêm là thời điểm cơ thể cần được nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng sau một ngày dài hoạt động. Thức đêm nhiều làm thiếu hụt năng lượng gây ra mệt mỏi và sức đề kháng bị suy giảm làm cho khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể giảm sút.

Do đó, những người có thói quen làm “cú đêm” sẽ thường xuyên mắc các bệnh liên quan đến vi sinh vật gây ra như cảm cúm, viêm phổi…

Thức khuya gây giảm miễn dịch khiến bạn dễ bị cảm cúm, viêm phổi.
Thức khuya gây giảm miễn dịch khiến bạn dễ bị cảm cúm, viêm phổi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Theo một phân tích được công bố trên Tạp chí European Heart Journal, những người thức khuya với thời gian ngủ ít dưới 5 giờ và thời gian ngủ nhiều hơn 9 giờ đều được chứng minh là có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.

Do đó, cho dù bạn có thức khuya và ngủ nướng vào buổi sáng thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch giống như những người ngủ không đủ giấc, đặc biệt là bệnh mạch vành hoặc đột quỵ

Khả năng mắc các bệnh ung thư

Theo báo cáo về giấc ngủ của AASM (Học viện y học về giấc ngủ Hoa Kỳ), những người thức khuya và ngủ không đủ giấc có tỷ lệ mắc các loại bệnh ung thư như ung thư vú, ưng thư đại trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn người bình thường.

Suy giảm trí nhớ và giảm khả năng suy nghĩ

Các thống kê cho thấy những người có thói quen thức khuya sẽ mắc phải tình trạng suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường không có thói quen này.

Theo sinh lý của cơ thể thì buổi tối là lúc não nghỉ ngơi để xử lý và lưu trữ lại thông tin của ngày hôm đó. Khi thức khuya quá nhiều, não sẽ làm việc liên tục dẫn đến mệt mỏi làm cho khả năng ghi nhớ và xử lý tình huống sẽ bị suy giảm vào ngày hôm sau.

Rối loạn hệ tiêu hóa

Dạ dày có hoạt động tái tạo và phục hồi các tế bào niêm mạc vào ban đêm khi bạn đã chìm vào giấc ngủ. Việc thức khuya sẽ làm cho dạ dày tăng hoạt động và tiết ra dịch dạ dày nhiều hơn gây viêm loét dạ dày. Mặc khác, đối với người đã có tiền sử mắc bệnh dạ dày trước đó thì đây sẽ là yếu tố tăng nặng thêm.

Ngoài ra, khi thức đêm để làm việc hay xem phim trong trạng thái căng thẳng sẽ kích thích và làm nặng thêm các bệnh lý dạ dày.

Thức đêm nhiều có thể khiến bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa
Thức đêm nhiều có thể khiến bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa

Ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da

Thời điểm ban đêm là lúc các tế bào da sẽ được nghỉ ngơi và tăng hoạt động tái tạo với mức độ cao hơn ban ngày. Thức đêm sẽ làm cho hoạt động này diễn ra thất thường làm ảnh hưởng đến chức năng của làn da gây ra tình trạng khô da, lão hóa sớm, mụn trứng cá…

Ngoài ra, vùng da quanh mắt vốn là vùng nhạy cảm, thức khuya làm cho máu lưu thông kém đến vùng này gây ra những quầng thâm và bọng mắt ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ.

Ảnh hưởng đến thị lực

Khi chúng ta thức khuya đồng nghĩa với việc mắt sẽ không được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nếu sử dụng các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh như máy tính hay điện thoại di động sẽ làm mắt bạn tăng cường điều tiết gây ra nhức mắt, mỏi mắt.

Ngoài ra, ánh sáng xanh có thể đâm xuyên qua các lớp của nhãn cầu và đi đến đáy mắt gây tổn thương võng mạc. Theo thời gian sẽ tích lũy gây ra các rối loạn về mắt như bệnh thoái hóa điểm vàng và có thể dẫn đến mù lòa.

Thoái hóa điểm vàng được ghi nhận là đang có nguy cơ trẻ hóa và ánh sáng xanh là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng này.

Thức khuya và tiếp xúc với ánh sáng xanh gây nhức mắt, mỏi mắt và suy giảm thị lực.
Thức khuya và tiếp xúc với ánh sáng xanh gây nhức mắt, mỏi mắt và suy giảm thị lực.

Nguy cơ béo phì

Các nghiên cứu trên những người thức khuya để học tập hay làm việc đã báo cáo rằng họ sẽ có xu hướng ăn uống nhiều hơn vào khoảng thời gian đó do tiêu tốn quá nhiều năng lượng của cơ thể. Đây là một trong những nguy cơ gây béo phì nếu tình trạng ăn khuya này kéo dài.

3. Tại sao nên dậy sớm để có sức khỏe tốt hơn?

Có thêm nhiều thời gian hơn

Khi bạn quyết định đi ngủ đúng giờ và thức dậy sớm vào buổi sáng, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để chuẩn bị mọi thứ cho ngày mới. Bạn có thể ngồi vào bàn làm việc để làm nốt phần việc còn lại của mình với một trạng thái đầy minh mẫn.

Từ đó tiến độ công việc cũng được đảm bảo hơn thay vì phải làm “cú đêm” và ngáp ngắn ngáp dài.

Cơ thể khỏe mạnh hơn

Giống như quy luật tự nhiên của cuộc sống, con người sẽ bắt đầu làm việc lúc mặt trời mọc và cho cơ thể nghỉ ngơi khi mặt trời lặn. Nếu hoạt động trái với điều này và trái với đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ làm cho hệ miễn dịch bị đảo lộn và giảm khả năng chống chọi lại bệnh tật.

Cân bằng về mặt cảm xúc

Thức dậy sớm và sẵn sàng đón nhận ngày mới sẽ làm cho cơ thể bạn trở nên thư thái và ổn định hơn thay vì phải thức khuya và ngủ dậy với trạng thái uể oải.

Tận hưởng buổi sáng

Những người dậy sớm đều dành một khoảng thời gian cho bản thân để tận hưởng bình minh. Bạn có thể thong thả chuẩn bị bữa sáng và ngồi đón lấy tia nắng mặt trời cùng với ly cà phê ấm nóng hơn là vội vàng thức dậy và chuẩn bị đi làm ngay.

4. Thiết lập giấc ngủ như thế nào cho đúng cách để mang lại lợi ích cho sức khỏe

Mặc dù dậy sớm sẽ có lợi hơn rất nhiều, tuy nhiên nếu không thực hiện đúng phương pháp thì có thể gây ra tác hại không kém gì thức đêm. Ví dụ như bạn đi ngủ lúc 11 giờ tối và chọn cách dậy sớm vào lúc 4 giờ sáng thì hoàn toàn gây hại cho sức khỏe do tình trạng thiếu ngủ.

Do đó, bạn nên ngủ đủ giấc với thời gian từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm và duy trì thói quen này trong một thời gian dài, từ đó cơ thể sẽ thiết lập nên một đồng hồ sinh học cố định cho riêng bạn. Nếu như hằng ngày bạn đi ngủ lúc 10 giờ và thức dậy lúc 6 giờ thì sau một khoảng thời gian bạn sẽ quen dần với chế độ sinh hoạt này.

Những người ngủ đủ giấc mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị béo phì thấp hơn so với những người ngủ ít. Ngoài ra còn có thể tăng cường trí nhớ và thiết lập tư duy sáng tạo.

Một số nghiên cứu đã chứng minh chất lượng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến tuổi thọ của con người, những người ngủ 5 giờ mỗi đêm có khả năng tử vong sớm hơn so với những người ngủ từ 8 đến 9 tiếng.

Giấc ngủ chất lượng đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của mỗi người. Có thể thấy việc thức dậy sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn thức đêm nhiều.

Nhưng cho dù bạn thuộc kiểu người thích thức khuya hay tận hưởng ánh nắng vào buổi sáng sớm, thì việc thường xuyên ngủ không đủ giấc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Vì vậy nên cân đối đồng hồ sinh học của cơ thể để có thể ngủ đủ giấc, đảm bảo một sức khỏe tốt và trí nhớ minh mẫn.

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/sleep/night-owl-vs-early-bird