6 triệu chứng thoái hóa khớp thường gặp ở người cao tuổi | Các nguyên nhân

Thoái hóa khớp là một bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Cùng Villamed tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này nhé!

Bài viết dưới đây ngoài mô tả 6 triệu chứng thoái hóa khớp thường gặp ở người cao tuổi, còn có thể cung cấp cho độc giả những kiến thức tổng quát về căn bệnh này, những nguyên nhân gây ra, và nguy hiểm tiềm tàng của nó nhằm nhận biết sớm, phòng tránh cũng như điều trị kịp thời.

Ngoài ra, quý độc giả trẻ tuổi hay trung niên cũng nên tham khảo để có thể chăm dưỡng các bậc sinh thành được tốt hơn nhé.

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp, còn được gọi là viêm xương khớp, là một bệnh lý mạn tính đặc trung bởi sự hủy hoại và thoái hóa của sụn khớp theo thời gian.

Sụn khớp là lớp mô trơn láng bảo vệ các đầu xương và giúp khớp di chuyển mượt mà. Khi sụn này bị mài mòn đi, các đầu xương bị cọ xát trực tiếp vào nhau, gây ra đau đớn, viêm nhiễm và mất tính linh hoạt của khớp.

Hình mô tả tình trạng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng khớp nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở các khớp chịu lực như khớp gối, khớp háng, cột sống và khớp tay. Bệnh này phổ biến ở người cao tuổi, nhưng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như lão hóa, chấn thương, yếu tố di truyền, béo phì và một số bệnh lý khác.,…

5 nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một bệnh lý phổ biến hiện nay, nhưng nhiều người vẫn chưa nắm được các nguyên nhân gây ra  bệnh lý này để có phương pháp giúp hạn chế và phòng ngừa quá trình thoái hóa khớp hiệu quả. Có thể nói đây là một bệnh lý phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau, như:

#1 Lão hóa các tế bào sụn khớp

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thoái hóa khớp. Quá trình lão hóa diễn ra một cách tự nhiên khiến các tế bào sụn mất dần khả năng tái tạo và phục hồi. Vì thế,  sụn khớp cũng dần bị mài mòn theo thời gian, mất đi độ trơn láng và khả năng chịu lực, khiến cho những vùng sụn khớp và  xương dưới sụn bị đau và dễ viêm.

Tuổi tác càng tăng  đồng nghĩa với quá trình lão hóa các tế bào sụn khớp xảy ra càng nhanh. Nên bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người cao tuổi mắc bệnh lý này.

#2 Tình trạng béo phì, thừa cân

Theo tính chất vật lý trong tự nhiên, khi trọng lượng cơ thể của bạn càng cao, trọng lực tác động nên các khớp từ đó cũng sẽ cao. Vì vậy, nếu cân nặng lớn quá mức sẽ tạo ra áp lực rất mạnh lên các khớp, đặc biệt là khớp gối và khớp háng.  

Lão hóa hay béo phì đều có thể là nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp

Áp lực này gây ra sự mài mòn nhanh chóng của sụn khớp, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Ngoài ra, các tế bào mỡ còn có thể tiết ra các chất gây viêm, làm nặng thêm các triệu chứng thoái hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến những bệnh nhân béo phì nặng không thể di chuyển một cách bình thường.

#3 Từng gặp các chấn thương

Các chấn thương khớp như gãy xương, rách dây chằng hoặc chấn thương sụn có thể gây hư hại nghiêm trọng đối với các vùng khớp, từ đó là nguyên nhân chính gây nên thoái hóa khớp. Vì thế,  các vận động viên thể thao hay người lao động nặng nhọc là nhóm đối tượng dễ rơi vào trường hợp này nhất.

Vận động mạnh sẽ gây áp lực lớn lên sụn khớp, rất dễ bị chấn thương. Những tổn thương này qua thời gian có thể không hoàn toàn phục hồi, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp sau này.

#4 Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền cũng có thể là nguy cơ phát triển nhanh các triệu chứng thoái hóa khớp. Nếu trong gia đình có cha, mẹ mắc bệnh này, nguy cơ bị thoái hóa khớp của con, cháu cũng có thể tăng lên. Trong một số trường hợp, các gen di truyền có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của sụn khớp, làm cho sụn dễ bị thoái hóa, dễ bị tổn thương hơn.

#5 Mắc các bệnh lý liên quan

Một số bệnh lý như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp (RA), và các rối loạn chuyển hóa khác có thể góp phần vào sự phát triển của thoái hóa khớp.

Chẳng hạn, bệnh gout gây ra sự lắng đọng các tinh thể urat trong khớp, gây viêm và đau, trong khi viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây viêm mạn tính và phá hủy sụn khớp. Như vậy, các bệnh lý gây tổn thương ở các vùng sụn khớp trong thời gian dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho triệu chứng thoái hóa khớp dần phát triển.

6 triệu chứng thoái hóa khớp thường gặp ở người cao tuổi

Như Villamed đã trình bày, có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng thoái hóa khớp, tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là nhóm người cao tuổi, những người gặp phải trình trạng lão hóa ở sụn khớp. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem bản thân hay cha mẹ có đang mắc phải một trong các triệu chứng nào dưới đây không nhé.

#1 Đau khớp vào các thời điểm nhất định

Đây là triệu chứng dễ thấy cũng như dễ nhận biết nhất tình trạng thoái hóa khớp. Đó là những cơn đau vùng khớp thường xuyên xuất hiện trong quá trình vận động và giảm đi khi được nghỉ ngơi.

Đặc biệt, cơn đau có thể tăng lên khi thay đổi thời tiết, nhất là những khi trời lạnh, nhiệt độ thấp sẽ khiến cơ bắp và mạch máu co lại, dẫn đến tuần hoàn máu kém hơn. Điều này làm cho màng hoạt dịch và xương dưới sụn không nhận đủ được lượng máu nuôi dưỡng sẽ bị kích thích và khởi phát cơn đau.

Đồng thời khi các cơ xung quanh khớp bị co lại, chúng có thể kéo căng các khớp và làm tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, áp suất không khí cũng sẽ gây ra áp lực lên các vùng khớp bị thoái hóa.

Những cơn đau này có thể chuyển hóa từ nhẹ đến nặng và thường tập trung ở các khớp chịu lực như khớp gối, khớp háng, và cột sống.

Thoái hóa khớp gây nên các cơn đau, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt

#2 Cứng khớp khi không vận động quá lâu

Tình trạng này là một trong những triệu chứng chính của thoái hóa khớp và có thể diễn ra ở bất kỳ vùng khớp nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là ở khớp gối, khớp háng, và các khớp của tay và chân. Cứng khớp tức là trạng thái mà khớp không thể di chuyển hoặc uốn cong một cách bình thường.

Nếu mỗi khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian không vận động, tình trạng này xuất hiện thì rất có thể đó là triệu chứng thoái hóa khớp. Cảm giác cứng khớp có thể kéo dài chỉ vài phút, nhưng một số trường hợp nặng diễn ra thậm chí đến vài giờ.

Cách để có thể khắc phục tình trạng này là làm ấm vùng khớp hoặc bắt đầu vận động chúng một cách nhẹ nhàng.

#3 Vùng khớp sưng hoặc phình to

Thoái hóa khớp có thể gây viêm và sưng cho các vùng khớp bị ảnh hưởng nặng. Tình trạng sưng khớp diễn ra khi vùng niêm mạc bao bọc các khớp tiết ra dịch, chúng thường được gọi là dịch khớp, hay dịch nhầy hoặc dịch synovial.

Dịch tích tụ nhiều sẽ khiến vùng khớp phình lên, nếu trở nặng có thể khiến chúng sưng rất to và gây đau đớn kéo dài, thậm chí hạn chế khả năng di chuyển, từ đó gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh nhân có thể khắc phục triệu chứng thoái hóa khớp này thông qua thuốc giảm đau và chống viêm theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các trường hợp nặng, dịch khớp tích tụ quá nhiều gây nên hiện tượng tràn dịch, bác sĩ có thể tiến hành chọc hút dịch khớp nhằm giảm triệu chứng và giảm đau.

#4 Giảm khả năng linh hoạt khi vận động

Thoái hóa khớp sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó khăn khi di chuyển, làm việc nặng, thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi lại, leo cầu thang, hoặc cầm nắm đồ vật,… , hoặc chỉ đơn giản là quay đầu, cúi xuống, hoặc nghiêng người.

Lúc này, khả năng cử động của các khớp đang bị hạn chế trong việc uốn cong hoặc duỗi thẳng. Tình trạng cứng khớp kéo dài, những cơn đau khớp và sưng khớp cũng gây suy giảm khả năng linh hoạt khi vận động. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khả năng tự lập của người bệnh.

#5 Phát ra âm thanh ở vùng khớp khi cử động

Khi di chuyển cơ thể, nếu vùng khớp phát ra tiếng kêu lục cục hoặc tiếng răng rắc. Điều này có thể là do sự ma sát giữa các bề mặt khớp bị thoái hóa, nơi sụn bảo vệ đã bị mài mòn, mất đi tính đàn hồi và làm cho các bề mặt trở nên gồ ghề hơn, dẫn đến tình trạng khi cọ xát vào nhau, sẽ phát ra âm thanh tương tự như vậy.

Tùy vào mức độ tổn thương của khớp, triệu chứng thoái hóa khớp này có thể gây đau hoặc không đau.

#6 Tình trạng biến dạng khớp

Trong các giai đoạn nặng của thoái hóa khớp, vùng tổn thương có thể bị biến dạng, tình trạng sưng là một ví dụ, chúng có thể làm thay đổi hình dáng khớp. Cụ thể hơn, ở khớp ngón tay bị thoái hóa của bệnh nhân có thể xuất hiện các khối u hoặc gây biến dạng đáng kể so với hình thái ban đầu của ngón tay.

Đây là kết quả của quá trình tổn thương lâu dài và khả năng tái tạo bất thường của các mô xung quanh khớp.

Kết luận

Bài viết trên đã mô tả rõ ràng 6 triệu chứng thoái hóa khớp thường gặp ở người cao tuổi cũng như những nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Thoái hóa khớp không chỉ là một vấn đề về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Bằng cách nhận thức và hiểu biết về những triệu chứng này, chúng ta có thể phòng tránh và điều trị kịp thời, từ đó cải thiện đời sống cá nhân, đặc biệt là cho những người cao tuổi. Hãy chăm sóc sức khỏe cho những người thân yêu của bạn.

Nguồn tham khảo:

https://www.niams.nih.gov/health-topics/osteoarthritishttps://medlineplus.gov/osteoarthritis.html